Mỗi doanh nghiệp sẽ linh hoạt lựa chọn hình thức trả lương tùy vào nhu cầu và tính chất công việc. Thay vì hình thức trả lương cố định theo tháng thì doanh nghiệp có thể chọn trả lương khoán cho người lao động nhằm mục đích nâng cao năng suất công việc. Vậy lương khoán là gì và cách tính lương khoán có gì đặc biệt? Cùng Vieclam.net tìm hiểu nhé.
Mục lục
I. Lương khoán là gì?
Trong bộ luật Lao động năm 2019 không có giải thích cụ thể về thuật ngữ lương khoán là gì nhưng có thể hiểu đơn giản lương khoán là hình thức trả lương dựa vào khối lượng, chất lượng và thời gian hoàn thành công việc. Người sử dụng lao động sẽ căn cứ vào đó để tính toán và trả tiền lương cho người lao động sau khi hoàn thành công việc.
Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động và người lao động phải thỏa thuận với nhau để lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hay lương khoán.
Bản chất của hình thức trả lương khoán đó là người lao động sẽ nhận được tiền lương dựa trên mức độ hoàn thành khối lượng công việc được giao. Nếu hoàn thành trong thời gian thỏa thuận thì người lao động sẽ nhận được mức lương tối đa theo thỏa thuận. Đây là hình thức trả lương công bằng, thể hiện đúng năng suất lao động của người lao động.
Tham khảo: Lương theo thời gian là gì? Cách tính như thế nào?
II. Hướng dẫn cách tính lương khoán đơn giản, chi tiết
Theo khoản 1 Điều 54 của Nghị định 145/2020/NĐ-CP, tiền lương khoán thực tế được trả cho người lao động sẽ dựa trên khối lượng, chất lượng công việc và thời gian thực tế phải hoàn thành công việc đó. Để tính lương khoán thực nhận, bạn đọc có thể áp dụng công thức sau đây:
Tiền lương = Mức lương khoán * Tỷ lệ % hoàn thành công việc |
Ví dụ: Bạn A được thuê đóng gói sản phẩm với yêu cầu mỗi tháng phải đóng 5.000 gói thì sẽ nhận được tiền lương là 4 triệu đồng. Tuy nhiên, trong tháng đầu bạn A chỉ hoàn thành được 3.000 gói, đạt 60% chỉ tiêu nên bạn A sẽ nhận được số tiền là : 4.000.000 x 60% = 2.400.000 đồng
Tìm hiểu thêm: Lương thử việc hiện nay là bao nhiêu? Quy định và thời gian
III. Hình thức chi trả lương khoán như thế nào?
Theo quy chế trả lương khoán, doanh nghiệp/người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng hạn cho người lao động. Trong trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì doanh nghiệp/người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được ủy quyền hợp pháp bởi người lao động đó.
Theo Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP, tiền lương khoán có thể được trả theo hai hình thức sau:
- Trả bằng tiền mặt.
- Trả thông qua tài khoản cá nhân của người lao động tại ngân hàng nào đó bất kỳ.
Trong trường hợp trả lương qua tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp/người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm trả những khoản phí liên quan đến việc mở tài khoản cho người lao động và phí chuyển tiền lương.
Ngoài ra khi trả lương khoán, tiền lương trả cho người lao động phải sử dụng Đồng Việt Nam. Riêng đối với những trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, lương khoán có thể được trả bằng ngoại tệ.
Đọc thêm: Lương theo sản phẩm là gì? Hướng dẫn chi tiết cách tính lương theo sản phẩm
IV. Một số câu hỏi thường gặp khác về lương khoán
Bên cạnh những thắc mắc về định nghĩa lương khoán là gì, cách tính lương khoán thì dưới đây là một số câu hỏi thường gặp khác về lương khoán:
1. Nhận lương khoán có phải đóng BHXH không?
Người lao động có hợp đồng lao động trong thời gian từ 1 tháng trở lên với doanh nghiệp thì sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc dù được trả lương dưới bất kỳ hình thức nào. Do vậy nếu trong hợp đồng lao động mà người lao động ký với doanh nghiệp có thỏa thuận hình thức lương khoán và có thời hạn từ 1 tháng trở lên thì người lao động sẽ thuộc vào đối tượng bắt buộc tham gia BHXH.
Mức lương tháng để đóng BHXH của người lao động sẽ được tính như sau:
Tiền lương (theo tháng) đóng BHXH = Mức lương nhận được + Các khoản bổ sung khác (tính chất cố định) + Phụ cấp lương |
Trong đó, mức lương nhận được sẽ tính theo thời gian để xác định lương khoán của người lao động.
Tổng mức đóng BHXH bắt buộc đối với cả 5 chế độ hiện nay là 26% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc. Cụ thể:
- Người lao động sẽ đóng bằng 8% cho quỹ hưu trí và tử tuất
- Người sử dụng lao động đóng bằng 18%:
- 3% đóng cho quỹ ốm đau, thai sản
- 1% đóng cho quỹ tai nan lao động, bệnh nghề nghiệp
- 14% đóng cho quỹ hưu trí và tử tuất
2. Lương khoán có chịu thuế thu nhập cá nhân không?
Theo quy định của Bộ Tài chính, các tổ chức và cá nhân trả tiền công, thù lao và những khoản chi khác cho cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên sẽ khấu trừ thuế bằng 10% dựa trên tổng thu nhập trước khi trả lương cho người lao động.
Trong trường hợp cá nhân có thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo mức nêu trên nhưng tổng thu nhập chịu thuế ước tính sau khi miễn trừ gia cảnh chưa đạt mức chịu thuế, cá nhân cần làm cam kết theo mẫu 02/CK-TNCN (Ban hành kèm Thông tư 92). Cam kết này sẽ được gửi đến tổ chức trả thu nhập và dùng làm căn cứ để tạm thời không khấu trừ thuế TNCN.
Vì vậy, khi ký hợp đồng giao khoán sẽ có hai trường hợp như sau:
- Trường hợp tổng thu nhập dưới 2 triệu đồng/lần: Doanh nghiệp cần những loại giấy tờ sau khi chi trả: Hợp đồng giao khoán, biên bản nghiệm thu, chứng từ thanh toán, bản sao CMND/CCCD của cá nhân. Trong trường hợp này, cá nhân không cần thực hiện cam kết theo mẫu 02/CK-TNCN và không cần nộp thuế TNCN.
- Trường hợp tổng thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên: Khi chi trả tiền công, doanh nghiệp sẽ khấu trừ 10% thuế TNCN trên tổng thu nhập trước khi chi trả cho người lao động (NLĐ). Ngoài các loại giấy tờ trên, cần nộp thêm chứng từ kê khai và nộp thuế TNCN.
Các khoản hỗ trợ liên quan đến hợp đồng giao khoán cũng phải chịu thuế TNCN. Nếu doanh nghiệp tạm thời không muốn khấu trừ 10% thuế TNCN ngay lập tức thì phải yêu cầu cá nhân thực hiện cam kết theo mẫu 02/CK-TNCN.
Lời kết
Trên đây là phần giải đáp một số thắc mắc về lương khoán là gì cũng như những vấn đề pháp lý liên quan khác. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu thêm về lương khoán và biết được cách tính lương khoán chính xác. Đừng quên truy cập Vieclam.net để xem thêm nhiều bài viết liên quan về vấn đề tiền lương và quyền lợi cần biết khác khi đi làm nhé.
Nguồn: Tổng hợp
Xem thêm: