Căn cứ theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP, mức lương tối thiểu theo các vùng sẽ tăng 6% so với mức lương tối thiểu hiện hành kể từ ngày 01/07/2024. Vậy mức lương tối thiểu vùng là gì và quy định về mức lương tối thiểu vùng hiện nay là bao nhiêu? Hãy cùng Vieclam.net tìm hiểu qua bài viết bên dưới nhé.
Mục lục
1. Mức lương tối thiểu vùng là gì?
Mức lương tối thiểu vùng được hiểu là mức lương thấp nhất mà người sử dụng lao động trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.
Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo ngày, theo tuần, theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo giờ hoặc theo tháng thì không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ hoặc mức lương tối thiểu tháng.
Tuy nhiên, mức lương tối thiểu vùng chỉ là mức lương tối thiểu thấp nhất mà người lao động được hưởng, trên thực tế doanh nghiệp có thể trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng tùy theo năng lực, trình độ và nhu cầu của người lao động.
Tham khảo: Lương thử việc hiện nay là bao nhiêu? Quy định và thời gian
2. Quy định về mức lương tối thiểu vùng
Ngày 30/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng sẽ điều chỉnh tăng bình quân từ 200.000 – 280.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện hành trước đó tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024.
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP, mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng được quy định điều chỉnh như sau:
Vùng |
Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) |
Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/tháng) |
Vùng I |
4.960.000 (tăng 280.000 đồng) |
23.800 |
Vùng II |
4.410.000 (tăng 250.000 đồng) |
21.200 |
Vùng III |
3.860.000 (tăng 220.000 đồng) |
18.600 |
Vùng IV |
3.450.000 (tăng 200.000 đồng) |
16.600 |
Nguồn: Nghị định 74/2024/NĐ-CP
3. Vai trò của mức lương tối thiểu
Mức lương tối thiểu vùng có vai trò rất quan trọng, vì đây là mức sàn để xác định những nội dung khác trong chế độ tiền lương. Một số vai trò của mức lương tối thiểu vùng được thể hiện như sau:
- Thứ nhất, đây là cơ sở để Nhà nước và người sử dụng lao động xác định bảng lương phù hợp của đơn vị và tiền lương thực tế cho người lao động.
- Thứ hai, mức lương tối thiểu là cơ sở để tính toán những khoản phụ cấp và thưởng cho người lao động.
- Thứ ba, tiền lương tối thiểu vùng sẽ là cơ sở để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ ưu đãi xã hội đối với những người có công.
- Thứ tư, mức lương tối thiểu vùng góp phần điều hòa quyền lợi của các bên trong quan hệ lao động, đảm bảo về mặt pháp lý dành cho người lao động.
- Thứ năm, tiền lương tối thiểu còn tác động lớn đến điều kiện kinh tế – xã hội, cung – cầu, tình trạng lạm phát và quá trình công nghiệp hóa đất nước.
- Thứ sáu, mức lương tối thiểu vùng chính là công cụ điều tiết của Nhà nước trên phạm vi toàn xã hội và trong từng cơ sở kinh tế.
- Thứ bảy, mức lương tối thiểu vùng giúp bảo vệ sức mua cho các mức tiền lương trước lạm phát gia tăng và sức ép của thị trường.
- Cuối cùng, mức lương tối thiểu góp phần loại bỏ sự bóc lột lao động, phòng ngừa xung đột và tranh chấp lao động.
Tìm hiểu thêm: Lương theo sản phẩm là gì? Hướng dẫn chi tiết cách tính lương theo sản phẩm
4. Các câu hỏi thường gặp về mức lương tối thiểu vùng
Bên cạnh những quy định và vai trò của mức lương tối thiểu vùng thì người lao động vẫn còn một số thắc mắc liên quan đến vấn đề này. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về mức lương tối thiểu vùng:
4.1. Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ như thế nào?
Theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định về mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ như sau:
- Mức lương quy đổi theo tháng được xác định như sau:
- Mức lương theo tuần nhân với 52 tuần làm việc và chia cho 12 tháng.
- Mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng.
- Mức lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình thường trong tháng.
- Mức lương quy đổi theo giờ được xác định như sau:
- Mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày.
- Mức lương theo sản phẩm, lương khoán chia cho số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán.
Đọc thêm: Phụ cấp lương là gì? Mức lương phụ cấp là bao nhiêu?
4.2. Ai được điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng?
Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội được giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính Phủ quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, đối tượng áp dụng những thay đổi về mức lương tối thiểu vùng gồm có:
- Người lao động làm việc có hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
- Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, bao gồm:
- Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
- Cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình hay cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì cá nhân đó phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này.
Trên đây là một số thông tin cập nhật về mức lương tối thiểu vùng, người lao động và người sử dụng lao động cần lưu ý để có cơ sở để đàm phán lương hoặc điều chỉnh mức lương cho phù hợp. Đừng quên truy cập Vieclam.net để cập nhật thêm nhiều thông tin về mức lương và những quyền lợi liên quan khác của người lao động nhé.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xem thêm: