HomeMẹo tìm việcBộ câu hỏi và cách trả lời phỏng vấn xin việc bán...
Newspaper Theme

Related Posts

Featured Artist

Bộ câu hỏi và cách trả lời phỏng vấn xin việc bán hàng ấn tượng

Nhân viên bán hàng là một trong những ngành nghề phổ biến và có cơ hội thăng tiến nhanh tại Việt Nam. Bởi vị trí này đóng vai trò như bộ mặt của toàn bộ doanh nghiệp. Chính vì vậy, quá trình tuyển dụng nhân viên bán hàng cũng khá gay gắt, đòi hỏi ứng viên phải đáp ứng nhiều yêu cầu về trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm. Sau đây, Blog Vieclam.net sẽ hướng dẫn bạn cách trả lời phỏng vấn xin việc bán hàng thật ấn tượng để gia tăng cơ hội trúng tuyển.

Bộ câu hỏi và cách trả lời phỏng vấn xin việc bán hàng ấn tượng
Bộ câu hỏi và cách trả lời phỏng vấn xin việc bán hàng ấn tượng

Mục lục

I. Cách trả lời các câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn xin việc bán hàng

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp và cách trả lời phỏng vấn vị trí nhân viên bán hàng mà bạn có thể tham khảo:

1. Hãy giới thiệu về bản thân bạn

Đây là câu hỏi mở đầu thường gặp trong mọi cuộc phỏng vấn, bao gồm cả phỏng vấn xin việc bán hàng. Câu hỏi này nhằm mục đích giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về bạn. Để trả lời một cách ấn tượng, bạn cần chuẩn bị trước một bản giới thiệu bản thân ngắn gọn, súc tích, nhưng đầy đủ thông tin về họ tên, tuổi, quê quán, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng, sở thích,…

cách trả lời phỏng vấn khi xin việc bán hàng
Hãy giới thiệu về bản thân bạn

Ví dụ:

Xin chào quý anh/chị, tên tôi là Nguyễn Văn A, năm nay 25 tuổi. Hiện tại tôi đang sinh sống ở Hà Nội. Tôi tốt nghiệp chuyên ngành Marketing tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau khi ra trường, tôi đã có 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bán hàng, chủ yếu là bán hàng thời trang. Trong thời gian làm việc, tôi đã đạt được một số thành tích như:

  • Đạt danh hiệu “Nhân viên bán hàng xuất sắc năm 2023” tại cửa hàng di động [tên cửa hàng]
  • Hoàn thành vượt chỉ tiêu doanh số bán hàng 15%/tháng
  • Được khách hàng đánh giá cao về thái độ phục vụ và khả năng tư vấn sản phẩm

Bên cạnh đó, tôi còn là một người năng động, nhiệt tình, giao tiếp tốt và có khả năng nắm bắt tâm lý khách hàng. Tôi rất yêu thích công việc bán hàng và tôi tin rằng mình có thể mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng khi mua sắm tại cửa hàng của quý anh/chị.

Xem thêm: Tuyệt chiêu trả lời phỏng vấn giới thiệu bản thân gây ấn tượng mạnh

2. Trong lĩnh vực bán hàng, bạn nhận thấy mình có những điểm mạnh, điểm yếu nào?

Khi đặt câu hỏi này, nhà tuyển dụng có thể đánh giá khả năng tự nhận thức và cải thiện bản thân của ứng viên. Do vậy, khi trả lời bạn cần trung thực, thẳng thắn, nhưng cũng cần khéo léo, tránh tỏ ra tự cao hoặc tự ti.

Ví dụ:

“Trong lĩnh vực bán hàng, tôi nhận thấy mình có những điểm mạnh như sau: Thứ nhất, tôi là một người năng động, nhiệt tình, có khả năng giao tiếp tốt và nắm bắt tâm lý khách hàng. Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe nhu cầu của khách hàng và đưa ra những tư vấn phù hợp. Thứ hai, tôi có khả năng thuyết phục tốt, giúp khách hàng đưa ra quyết định mua hàng. Thứ ba, tôi có kỹ năng làm việc nhóm tốt, có thể phối hợp hiệu quả với đồng nghiệp để đạt được mục tiêu chung.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh trên tôi cũng nhận thấy mình còn một số điểm yếu cần khắc phục, chẳng hạn như: Tôi đôi khi còn hơi nóng vội, dẫn đến việc đưa ra những quyết định sai lầm. Đồng thời, tôi cũng cần trau dồi thêm kiến thức về sản phẩm để có thể tư vấn cho khách hàng một cách tốt nhất.

Và để khắc phục những điểm yếu này, tôi đã và đang thực hiện một số biện pháp như: Trước khi đưa ra quyết định, tôi sẽ dành thời gian để suy nghĩ kỹ càng rồi mới hành động. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên tìm hiểu thêm về sản phẩm để nắm bắt thông tin một cách đầy đủ nhất.

Tôi tin rằng với những điểm mạnh và những biện pháp khắc phục điểm yếu mà tôi đã thực hiện, tôi có thể hoàn thành tốt công việc của một nhân viên bán hàng.”

Xem thêm: Cách trả lời điểm mạnh điểm yếu khi phỏng vấn “chắc chắn ăn điểm”

3. Lý do gì khiến bạn muốn trở thành nhân viên bán hàng?

Nhà tuyển dụng đặt câu hỏi này để đánh giá sự phù hợp của bạn với vị trí, cũng như niềm đam mê và động lực của bạn đối với công việc bán hàng. Để trả lời câu hỏi này một cách hiệu quả, bạn cần chuẩn bị trước và đưa ra những lý do cụ thể, thuyết phục.

Cách trả lời câu hỏi "Lý do gì khiến bạn muốn trở thành nhân viên bán hàng?"
Cách trả lời câu hỏi “Lý do gì khiến bạn muốn trở thành nhân viên bán hàng?”

Ví dụ:

“Tôi luôn yêu thích công việc bán hàng từ khi còn nhỏ. Tôi thích được giao tiếp với mọi người, giúp đỡ họ tìm được những sản phẩm/dịch vụ phù hợp với nhu cầu. Đặc biệt, tôi rất thích được thử thách bản thân, vượt qua những khó khăn để đạt được mục tiêu. Ngoài ra, tôi cũng có khả năng thuyết phục và đàm phán. Tôi là người tự tin, có khả năng giao tiếp tốt và biết cách lắng nghe, thấu hiểu khách hàng. Tôi tin rằng nghề bán hàng là cơ hội để tôi phát huy khả năng của mình, giúp khách hàng tìm được những sản phẩm, dịch vụ phù hợp.

Bên cạnh đó, khi tìm hiểu về công ty [tên công ty], tôi rất ấn tượng với sản phẩm/dịch vụ của công ty. Tôi tin rằng những sản phẩm/dịch vụ này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Vì vậy, tôi rất mong được trở thành một phần của công ty và đóng góp cho sự phát triển của công ty.”

Đọc thêm: Vì sao bạn muốn ứng tuyển vị trí này? 8 mẫu câu trả lời gây ấn tượng!

4. Mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai của bạn là gì?

Mục đích của nhà tuyển dụng khi đặt câu hỏi này đó là để đánh giá sự phù hợp của ứng viên với công ty, cũng như mức độ cam kết của ứng viên với công việc. Do vậy, bạn có thể trả lời về mục tiêu trong tương lai của mình theo hướng ngắn hạn (1-2 năm) như: đạt doanh số bán hàng, nhận chứng chỉ đào tạo chuyên nghiệp về bán hàng. Hoặc mục tiêu dài hạn (3-5 năm) như: thăng chức lên vị trí quản lý bán hàng, mở rộng mạng lưới khách hàng hoặc thành lập công ty riêng chuyên về bán hàng.

Ví dụ:

“Tôi đặt mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai là đạt được vị trí nhân viên bán hàng xuất sắc của công ty. Tôi đặt mục tiêu ngắn hạn là đạt đủ và có thể vượt mức KPI bán hàng. Tôi cũng sẽ tham gia khóa đào tạo chuyên nghiệp về kỹ năng bán hàng trong vòng 3 tháng để nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình. Về mục tiêu dài hạn, tôi muốn trở thành một quản lý bán hàng trong vòng 5 năm tới. Tôi tin rằng với sự cố gắng của bản thân và sự hỗ trợ của công ty, tôi sẽ sớm đạt được mục tiêu của mình.”

Xem thêm: Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì? 12 mẫu mục tiêu ghi điểm

5. Theo bạn đây là yếu tố quyết định hành vi mua hàng của khách hàng?

Câu hỏi này sẽ đánh giá khả năng hiểu biết của ứng viên về hành vi mua hàng của khách hàng, cũng như khả năng ứng dụng kiến thức đó vào thực tế. Vì vậy, bạn cần chuẩn bị một số kiến thức cơ bản về nội dung này để có câu trả lời phù hợp.

Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn xin việc bán hàng về yếu tố quyết định hành vi mua hàng
Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn xin việc bán hàng về yếu tố quyết định hành vi mua hàng

Ví dụ: 

“Theo tôi, yếu tố quyết định hành vi mua hàng của khách hàng sẽ phụ thuộc vào yếu tố cá nhân như nhân khẩu học, tâm lý, hành vi và yếu tố bên ngoài như xã hội, gia đình, văn hóa, thương hiệu,…

Ví dụ, trong trường hợp của một sản phẩm điện thoại, yếu tố giá cả có thể là yếu tố quyết định đối với khách hàng có thu nhập thấp. Tuy nhiên, đối với khách hàng có thu nhập cao, yếu tố chất lượng sản phẩm và thương hiệu có thể quan trọng hơn. Nếu đó là một sản phẩm thời trang, yếu tố xu hướng có thể là điều thúc đẩy khách hàng mua sắm. Còn trong trường hợp của một sản phẩm dịch vụ, thái độ phục vụ của nhân viên có thể là yếu tố quan trọng khiến khách hàng quay lại trải nghiệm dịch vụ.”

Đọc thêm: 8 Kỹ Năng Mềm Không Thể Thiếu Giúp Dân Văn Phòng Thành Công

6. Đối tượng khách hàng của công ty chúng tôi bao gồm những ai?

Để trả lời tốt câu hỏi này, bạn cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm/dịch vụ của công ty, thị trường mục tiêu và đối thủ cạnh tranh trong ngành. Bạn có thể tìm kiếm thông tin này trên website của công ty, báo chí, hoặc tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm. Nhờ đó, nhà tuyển dụng có thể đánh giá mức độ hiểu biết của bạn về sản phẩm/dịch vụ và thị trường mục tiêu của công ty.

Ví dụ:

Giả sử bạn đang ứng tuyển vị trí nhân viên bán hàng cho một công ty thời trang công sở. Bạn có thể trả lời theo ý sau:

“Theo tôi tìm hiểu, đối tượng khách hàng mục tiêu của công ty là những người phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 35 tuổi và có thu nhập trung bình tối thiểu 10 triệu đồng trở lên, sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Công việc của họ thường làm trong môi trường văn phòng, quan tâm đến thời trang và làm đẹp. Họ thích mua sắm online vào các dịp cuối tuần và dịp lễ Tết.

Ngoài ra, công ty cũng đang tập trung vào việc tiếp cận đối tượng khách hàng này thông qua các kênh marketing online như website, mạng xã hội,… Đặc biệt, vào tháng vừa rồi công ty mới cho ra mắt bộ sưu tập thời trang công sở nam, điều này cho thấy công ty đang hướng tới mục tiêu mở rộng phân khúc khách hàng, đáp ứng nhu cầu thể hiện phong cách cá nhân của toàn bộ đối tượng nhân viên văn phòng.”

7. Bạn có nhận xét như thế nào về sản phẩm/dịch vụ mà công ty chúng tôi cung cấp?

Đây là một câu hỏi quan trọng, cho phép nhà tuyển dụng đánh giá khả năng hiểu biết của bạn về sản phẩm/dịch vụ của công ty và mức độ quan tâm của bạn đối với công việc. Để có câu trả lời ấn tượng, bạn cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm/dịch vụ của công ty, bao gồm các yếu tố về ưu/nhược điểm của sản phẩm/dịch vụ, so sánh sản phẩm/dịch vụ đó với đối thủ cạnh tranh và tiềm năng phát triển của chúng.

Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn bán hàng nhận xét về sản phẩm/dịch vụ của công ty
Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn bán hàng nhận xét về sản phẩm/dịch vụ của công ty

Ví dụ:

“Tôi đánh giá cao chất lượng sản phẩm điện thoại di động của công ty. Các sản phẩm đều có thiết kế đẹp, cấu hình mạnh mẽ và camera chất lượng cao. So với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh, sản phẩm của công ty có những ưu điểm về chất lượng, giá cả cạnh tranh cũng như có nhiều tính năng độc đáo. Tuy nhiên, sản phẩm của công ty cũng có một số nhược điểm cần khắc phục như thời lượng pin chưa cao và hệ điều hành chưa được tối ưu hóa hoàn toàn. Ngoài ra, tôi cũng nhận thấy rằng công ty có thể cải thiện chính sách bảo hành của mình. Tôi nghĩ rằng nên nâng thời gian bảo hành lên 24 tháng hoặc 36 tháng thay vì chỉ có 12 tháng để thu hút khách hàng hơn.”

8. Theo bạn, công ty nên làm gì để cải thiện doanh số?

Nếu muốn ghi điểm với nhà tuyển dụng trong câu hỏi mang tính chất chiến lược như này. Bạn cần nghiên cứu công ty và các sản phẩm/dịch vụ thật kỹ. Bạn có thể lập ra mô hình SWOT để phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của công ty, từ đó đưa ra những đề xuất có độ phù hợp và hiệu quả cao. Nếu thành công, bạn có thể để lại ấn tượng sâu sắc với nhà tuyển dụng, chứng minh năng lực bản thân là một người bán hàng giỏi.

Ví dụ:

“Với trách nhiệm là một nhân viên bán hàng, để giúp công ty có thể tăng doanh số bán hàng, tôi sẽ tập trung vào việc nâng cao kỹ năng bán hàng của mình thông qua việc tham gia các khóa đào tạo và học hỏi từ các đồng nghiệp có kinh nghiệm. Đồng thời, tôi sẽ đảm bảo rằng mình hiểu rõ về các sản phẩm của công ty, từ đó có thể giới thiệu chúng một cách chính xác và thuyết phục khách hàng mua hàng.

Bên cạnh đó, tôi xin đề xuất việc cải thiện trải nghiệm mua sắm cho khách hàng, bằng cách đảm bảo môi trường cửa hàng luôn sạch sẽ, gọn gàng và thân thiện, cũng như việc giảm thời gian chờ đợi tại quầy thanh toán. Ngoài ra, việc thu thập và tận dụng phản hồi từ khách hàng cũng là cách để cải thiện chất lượng dịch vụ, từ đó tạo ra sự hài lòng và khuyến khích họ quay lại mua sắm.

Đặc biệt, đối với sản phẩm thời trang công sở của công ty, tôi xin đề xuất triển khai một chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội nhắm đến đối tượng là những người làm việc văn phòng trẻ tuổi (khoảng 22 – 30 tuổi). Chiến dịch sẽ bao gồm việc tạo ra các video ngắn trên TikTok để giới thiệu cách phối trang phục cho ngày làm việc và các sự kiện công ty, cũng như tổ chức cuộc thi ‘Outfit of the Week’ để khuyến khích sự tương tác và chia sẻ từ cộng đồng trên các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, các sản phẩm của công ty sẽ có sự lan truyền mạnh mẽ, tiếp cận lượng lớn đối tượng khách hàng. Nhờ đó, doanh số bán hàng sẽ tăng lên.”

Xem thêm: 11 cách trả lời phỏng vấn thông minh, ghi điểm tuyệt đối với nhà tuyển dụng

9. Bạn mong đợi điều gì đối với vị trí này?

Đây là một câu hỏi mở, cho phép ứng viên thể hiện mong muốn, kỳ vọng của mình đối với công việc và công ty. Đối với vị trí bán hàng, nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu xem ứng viên có thực sự quan tâm đến công việc bán hàng, có hiểu rõ về công ty và sản phẩm/dịch vụ của công ty hay không.

Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn bán hàng "Bạn mong đợi điều gì đối với vị trí này?"
Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn bán hàng “Bạn mong đợi điều gì đối với vị trí này?”

Ví dụ:

“Khi ứng tuyển vào vị trí nhân viên bán hàng tại công ty, tôi mong muốn được làm việc trong một môi trường năng động, nơi tôi có thể áp dụng và phát triển kỹ năng bán hàng của mình. Tôi kỳ vọng sẽ được học hỏi về các sản phẩm công nghệ mới nhất và cách thức chúng có thể cải thiện cuộc sống hàng ngày của khách hàng. Tôi cũng hy vọng sẽ có cơ hội gặp gỡ và tương tác với đa dạng khách hàng, từ đó hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của họ.

Ngoài ra, tôi mong muốn đóng góp vào sự thành công của công ty bằng cách đạt được mục tiêu doanh số và tạo ra những trải nghiệm mua sắm tuyệt vời cho khách hàng. Tôi tin rằng việc cung cấp dịch vụ khách hàng xuất sắc và tư vấn sản phẩm chính xác sẽ không chỉ giúp khách hàng hài lòng mà còn khuyến khích họ quay lại mua sắm và giới thiệu công ty cho người khác.

Cuối cùng, tôi mong đợi sẽ được làm việc cùng một đội ngũ đồng nghiệp hỗ trợ và cùng nhau phát triển, nơi mà mỗi thành viên đều được trân trọng và có cơ hội để phát huy tối đa tiềm năng của mình.”

10. Theo bạn, nên dùng chỉ tiêu nào để đánh giá năng lực nhân viên bán hàng?

Lý do nhà tuyển dụng đặt câu hỏi này cho ứng viên là bởi vì họ muốn đánh giá khả năng hiểu biết của ứng viên về lĩnh vực bán hàng, cũng như khả năng tư duy và phân tích. Trong câu trả lời, ứng viên cần đưa ra quan điểm của mình về chỉ tiêu đánh giá năng lực nhân viên bán hàng, cùng những lý luận mang tính thuyết phục cao để nhà tuyển dụng thấy rằng câu trả lời của bạn hoàn toàn hợp lý.

Ví dụ:

“Theo tôi, các chỉ tiêu dùng để đánh giá năng lực nhân viên bán hàng gồm có tỷ lệ chuyển đổi, doanh số, khả năng chăm sóc khách hàng và kỹ năng làm việc nhóm. Trong đó, doanh số là chỉ tiêu quan trọng nhất, thể hiện hiệu quả công việc của nhân viên bán hàng. Tỷ lệ chuyển đổi sẽ thể hiện khả năng thuyết phục khách hàng mua hàng của nhân viên. Khả năng chăm sóc khách hàng thể hiện ở việc nhân viên bán hàng có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách chu đáo và tận tình. Và khả năng làm việc nhóm sẽ cho thấy nhân viên bán hàng đó có thể hợp tác và phối hợp tốt với đồng nghiệp để đạt được mục tiêu chung hay không.

Ví dụ, trong quá trình làm việc tại công ty cũ, tôi đã đạt được doanh số vượt chỉ tiêu đề ra 20%. Tỷ lệ chuyển đổi của tôi cũng đạt 80%, cao hơn mức trung bình của công ty. Tôi luôn cố gắng đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách chu đáo và tận tình, đồng thời tôi cũng luôn sẵn sàng hợp tác cũng như phối hợp với đồng nghiệp để hoàn thành mục tiêu chung.

Tôi tin rằng các chỉ tiêu trên là cần thiết để đánh giá một cách toàn diện năng lực của nhân viên bán hàng. Ngoài ra, chúng cũng giúp công ty có thể phát triển đội ngũ nhân viên bán hàng hiệu quả.”

Xem thêm: Dự đoán xu hướng ngành nghề HOT tại Việt Nam trong tương lai

11. Theo bạn, để trở thành một nhân viên bán hàng giỏi cần có yếu tố gì?

Để trả lời câu hỏi này một cách hiệu quả, ứng viên cần hiểu rõ về những yếu tố cần thiết để trở thành một nhân viên bán hàng giỏi như: kiến thức về sản phẩm/dịch vụ, kỹ năng giao tiếp và thuyết phục, khả năng lắng nghe và thấu hiểu khách hàng, kỹ năng xử lý tình huống, khả năng làm việc nhóm.

Cách trả lời câu hỏi "Theo bạn, để trở thành một nhân viên bán hàng giỏi cần có yếu tố gì?"
Cách trả lời câu hỏi “Theo bạn, để trở thành một nhân viên bán hàng giỏi cần có yếu tố gì?”

Ví dụ:

“Theo tôi, để trở thành một nhân viên bán hàng giỏi, cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt, am hiểu về sản phẩm, kỹ năng bán hàng, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng thuyết phục, giải quyết vấn đề và quan trọng là biết cách kiểm soát cảm xúc, luôn cẩn thận, nhiệt tình với khách hàng. Tôi đã tìm hiểu và có cơ hội áp dụng những kỹ năng này khi tôi làm việc tại công ty ABC. Tôi đã tìm kiếm khách hàng tiềm năng trên mạng xã hội và đưa ra các giải pháp bán hàng phù hợp với từng đối tượng. Tôi cũng luôn cố gắng tìm hiểu về sản phẩm để có thể giải đáp các câu hỏi của khách hàng một cách chuyên nghiệp và tạo ra sự hài lòng cho họ. Ngoài ra, tôi cũng luôn kiểm tra kỹ các thông tin về sản phẩm và đơn hàng của khách để đảm bảo rằng chúng được nhập liệu chính xác và đầy đủ.

Với những kỹ năng và kinh nghiệm mà tôi tích lũy được, tôi hi vọng rằng mình có cơ hội ứng tuyển vào vị trí nhân viên bán hàng của quý công ty để có thể tiếp tục rèn luyện, nâng cao năng lực bản thân, đồng thời đóng góp sức mình vào sự phát triển của công ty.”

Gợi ý: 10 Kỹ năng bán hàng hiệu quả chinh phục thị trường

12. Giả sử tôi là khách hàng thì bạn sẽ tư vấn gì để thuyết phục tôi mua hàng?

Đối với câu hỏi tình huống này, bạn cần bình tĩnh và vận dụng tối đa kỹ năng và vốn kiến thức về bán hàng của mình để có thể đưa ra câu trả lời hợp lý nhất. Bạn nên nhớ rằng trước khi tư vấn sản phẩm, bạn cần hỏi xem khách hàng đang muốn mua sản phẩm gì, họ có kinh phí bao nhiêu và sự mong đợi của họ về sản phẩm đó là gì,… Sau đó, bạn mới tiến hành đưa ra những lời tư vấn cho các sản phẩm phù hợp nhất và thuyết phục khách hàng mua hàng.

Ví dụ:

“Nếu anh/chị là khách hàng, tôi sẽ tư vấn bằng cách sau:

Trước tiên, tôi sẽ hỏi anh/chị về nhu cầu của mình bằng các câu hỏi như: Tôi muốn biết anh/chị đang tìm kiếm sản phẩm/dịch vụ gì?, anh/chị có ngân sách bao nhiêu?, anh/chị có những mối quan tâm gì?,… Sau khi hiểu rõ nhu cầu của anh/chị, tôi sẽ cung cấp cho anh/chị thông tin chính xác và đầy đủ về sản phẩm/dịch vụ mà chúng tôi đang bán. Tôi sẽ giải thích về các tính năng, lợi ích của sản phẩm/dịch vụ và thuyết phục anh/chị mua hàng.

Ví dụ, nếu anh/chị đang tìm kiếm một chiếc điện thoại thông minh có camera tốt, tôi sẽ tư vấn cho bạn chiếc điện thoại X. Điện thoại X có camera chính độ phân giải 108MP, camera góc siêu rộng 12MP, camera tele 10MP,… Camera của điện thoại X có thể chụp ảnh và quay video với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của anh/chị. Đồng thời, tôi cũng sẽ cung cấp cho anh/chị các chương trình khuyến mãi, ưu đãi của công ty chúng tôi. Điều này sẽ giúp anh/chị tiết kiệm chi phí khi mua hàng.

Tôi tin rằng những tư vấn của tôi sẽ giúp anh/chị đưa ra quyết định mua hàng chính xác.”

13. Trường hợp gặp phải khách hàng khó tính bạn sẽ xử lý như thế nào?

Trong quá trình làm công việc bán hàng, sẽ khó tránh khỏi những tình huống bạn gặp phải những khách hàng khó tính, yêu cầu cao, thậm chí có những hành động thô lỗ, gay gắt. Để xử lý các trường hợp này, bạn cần giữ thái độ bình tĩnh và cư xử một cách hòa nhã. Bạn cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân của sự việc, đồng thời, biết cách vận dụng sự khéo léo của mình để có thể xoay chuyển tình hình, làm cho khách hàng cảm thấy được tôn trọng và hạ cơn giận.

Cách trả lời câu hỏi tình huống "Trường hợp gặp phải khách hàng khó tính bạn sẽ xử lý như thế nào?"
Cách trả lời câu hỏi tình huống “Trường hợp gặp phải khách hàng khó tính bạn sẽ xử lý như thế nào?”

Ví dụ:

“Nếu khách hàng phàn nàn về chất lượng sản phẩm, tôi sẽ lắng nghe họ một cách tích cực và thấu đáo. Đồng thời, thể hiện sự đồng cảm với khách hàng bằng cách nói: “Tôi hiểu rằng bạn đang cảm thấy rất thất vọng. Tôi xin lỗi vì những bất tiện mà bạn đã gặp phải.” Sau đó, tôi sẽ tìm hiểu nguyên nhân khiến chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu. Nếu lỗi thuộc về phía doanh nghiệp, tôi sẽ đề xuất giải pháp đổi trả sản phẩm hoặc hoàn tiền cho khách hàng. Nếu lỗi thuộc về phía khách hàng, tôi sẽ giải thích cho khách hàng hiểu và đưa ra lời khuyên để họ sử dụng sản phẩm đúng cách.”

14. Khi nhận được lời phê bình, bạn sẽ phản ứng ra sao?

Đây là một câu hỏi phỏng vấn phổ biến, đặc biệt là đối với những vị trí yêu cầu khả năng giao tiếp và xử lý tình huống tốt như nhân viên bán hàng. Câu hỏi này nhằm đánh giá khả năng nhận thức, tiếp thu phản hồi và thái độ khi gặp khó khăn của ứng viên. Để có câu trả lời hiệu quả, ứng viên cần thể hiện được sự tự tin, bình tĩnh và sẵn sàng tiếp thu phản hồi.

Ví dụ:

“Tôi luôn trân trọng những lời phản hồi, dù là tích cực hay tiêu cực. Bởi vì tôi tin rằng những lời phản hồi đó giúp tôi học hỏi và phát triển bản thân. Nếu tôi nhận được lời phê bình, tôi sẽ lắng nghe một cách cẩn thận và tập trung để hiểu rõ ý kiến của người nói. Tôi sẽ cố gắng đặt mình vào vị trí của họ để xem xét vấn đề từ góc nhìn của họ. Sau đó, tôi sẽ đưa ra kế hoạch hành động để cải thiện bản thân.

Ví dụ, trong một lần bán hàng, tôi đã không thể thuyết phục khách hàng mua sản phẩm. Sau khi nhận được lời phê bình từ sếp, tôi đã nhận ra rằng mình đã không nắm bắt được nhu cầu của khách hàng. Vì vậy, tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu thêm về sản phẩm và khách hàng mục tiêu của công ty. Sau đó, tôi đã áp dụng những kiến thức mới học được vào lần bán hàng tiếp theo và đã thành công trong việc thuyết phục khách hàng mua hàng. Sau câu chuyện đó, tôi vô cùng biết ơn những lời góp ý thẳng thắn bởi vì nó giúp tôi nhận ra khuyết điểm của mình để có thể hoàn thiện bản thân hơn.”

15. Bạn có bất kỳ câu hỏi nào dành cho chúng tôi không?

Câu hỏi này thường được hỏi ở cuối hầu hết các cuộc phỏng vấn. Câu hỏi này nhằm đánh giá sự quan tâm của ứng viên đối với công việc và công ty. Để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, ứng viên cần chuẩn bị trước một danh sách câu hỏi liên quan đến công việc và công ty, chẳng hạn như:

  • Về công việc:
    • Mô tả cụ thể về công việc và trách nhiệm của vị trí này là gì?
    • Công ty có những chương trình đào tạo và phát triển nào dành cho nhân viên?
    • Cơ hội thăng tiến của vị trí này như thế nào?
  • Về công ty:
    • Văn hóa công ty như thế nào?
    • Công ty có những giá trị cốt lõi nào?
    • Công ty có những dự định phát triển nào trong tương lai?
Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn bán hàng "Bạn có bất kỳ câu hỏi nào dành cho chúng tôi không?"
Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn bán hàng “Bạn có bất kỳ câu hỏi nào dành cho chúng tôi không?”

Ví dụ:

“Cảm ơn anh/chị đã dành thời gian phỏng vấn tôi. Tôi rất quan tâm đến vị trí này và tôi tin rằng mình có những kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp với công việc.

Tôi xin nhờ anh/chị giải đáp giúp tôi một số thắc mắc liên quan đến công ty và vị trí ứng tuyển như sau:

Đầu tiên, tôi muốn biết về văn hóa và môi trường làm việc công ty như thế nào? Quý công ty đề cao những giá trị nào?

Thứ hai, tôi muốn biết về cơ hội thăng tiến trong vị trí nhân viên bán hàng của quý công ty. Tôi có thể làm gì để phát triển bản thân và thăng tiến đến những vị trí cao hơn?

Cuối cùng, tôi muốn biết về các chương trình đào tạo mà quý công ty cung cấp cho nhân viên. Tôi có thể tham gia những chương trình đào tạo nào để nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình?

Cảm ơn anh/chị đã tiếp nhận câu hỏi của tôi.”

Xem thêm: Bộ câu trả lời “bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?” hay nhất 2024

II. Một số câu hỏi khác có thể gặp khi phỏng vấn xin việc bán hàng

Bên cạnh những câu hỏi phỏng vấn thường gặp ở trên, trong quá trình phỏng vấn nhân viên bán hàng, nhà tuyển dụng có thể đặt thêm những câu hỏi khác liên quan đến công việc hoặc kỹ năng, kinh nghiệm và tính cách của bạn. Chính vì vậy, bạn cần tổng hợp thật kỹ các câu hỏi có thể xảy ra để có sự chuẩn bị tốt nhất. Sau đây là một số câu hỏi phỏng vấn mà bạn có thể tham khảo:

1. Câu hỏi phỏng vấn nhân viên bán hàng bằng tiếng Việt

  • Theo bạn kỹ năng học hỏi có tầm quan trọng như thế nào với nhân viên bán hàng?
  • Bạn sẽ giải quyết như thế nào nếu không hoàn thành kịp doanh số bán hàng theo tháng?
  • Đối tượng khách hàng nào mà bạn cảm thấy thoải mái nhất khi tư vấn cho họ? Vì sao?
  • Động lực nào giúp bạn nỗ lực trở thành nhân viên bán hàng?
  • Mục tiêu cho đích đến cuối cùng trong sự nghiệp của bạn là gì?
  • Bạn có bí quyết nào để có thể giữ nụ cười trên khuôn mặt suốt một ngày không?
  • Khi gặp phải chuyện buồn, làm thế nào bạn có thể lấy lại tinh thần để luôn niềm nở với khách hàng?
  • Bạn thường tốn bao nhiêu thời gian để chăm sóc khách hàng cũ so với việc tìm kiếm khách hàng mới? Vì sao?
  • Theo bạn, phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò như thế nào trong quá trình bán hàng?
  • Trong quá trình bán hàng trước đây, bạn được khách hàng đánh giá là người như thế nào?
Một số câu hỏi khác có thể gặp khi phỏng vấn xin việc bán hàng
Một số câu hỏi khác có thể gặp khi phỏng vấn xin việc bán hàng

2. Câu hỏi phỏng vấn nhân viên bán hàng bằng tiếng Anh

  • Why are you interested in this position?
  • How would you describe your sales style?
  • What are your thoughts on our products or services?
  • How do you stay up-to-date on industry trends?
  • What do you think about the products/services our company provides?
  • How important do you think learning skills are for a Sales assistant?
  • How will you handle it if you don’t meet your sales KPI for the month?
  • How do you build relationships with customers?
  • Give me an example of a time when you overcame a challenge in a sales situation.
  • What motivates you to strive to become a sales member?
  • What is your ultimate career choice goal?
  • Do you have a secret to keeping your smile clear throughout the day?
  • During your previous sales process, how were you evaluated by customers?

Xem thêm: Cách trả lời các câu hỏi phỏng vấn tiếng Anh chuyên nghiệp

III. Kinh nghiệm khi đi phỏng vấn xin việc bán hàng

Sau đây là một số kinh nghiệm khi đi phỏng vấn xin việc bán hàng có thể giúp ích cho bạn để quá trình phỏng vấn diễn ra suôn sẻ và đạt kết quả tốt nhất.

  • Đi phỏng vấn đúng giờ: Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất để gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Điều này cho thấy bạn là người có trách nhiệm và tôn trọng thời gian của người khác.
  • Tìm hiểu kỹ về công ty và vị trí ứng tuyển: Hãy dành thời gian tìm hiểu về công ty, sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty, cũng như vị trí ứng tuyển. Đây là cách giúp bạn trả lời tốt các câu hỏi của nhà tuyển dụng và thể hiện sự quan tâm của bạn đối với công việc.
Kinh nghiệm khi đi phỏng vấn xin việc bán hàng
Kinh nghiệm khi đi phỏng vấn xin việc bán hàng
  • Chuẩn bị trang phục lịch sự: Trang phục là yếu tố đầu tiên mà nhà tuyển dụng nhìn thấy bạn. Hãy ăn mặc lịch sự, gọn gàng để tạo ấn tượng tốt.
  • Trả lời tự tin, bình tĩnh, chân thành: Hãy trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng một cách tự tin, bình tĩnh và chân thành. Tránh trả lời lan man, dài dòng hoặc nói dối.

Hi vọng với những chia sẻ của bài viết trên, bạn đã biết cách trả lời phỏng vấn xin việc bán hàng thật thông minh và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Chúc bạn nhanh chóng tìm được việc làm như ý và thành công trong sự nghiệp! Ngoài ra, để hỗ trợ trong quá trình tìm việc làm và phỏng vấn, bạn có thể tham khảo các chuyên mục mẹo tìm việc, tuyển dụng, phát triển bản thân và những câu chuyện đi làm thú vị khác tại Vieclam.net nhé!

Có thể bạn quan tâm:

Miễn trừ trách nhiệm

Vieclam.net đã và đang nỗ lực cung cấp các nội dung giá trị, đáng tin cậy nhất đến với độc giả. Tuy nhiên, các thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, do đó Vieclam.net không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin trên để đưa ra quyết định liên quan đến đầu tư, tài chính, sức khỏe, hạnh phúc.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Top 12 địa chỉ học nối mi TPHCM uy tín, thời gian đào tạo nhanh.

Top 12 địa chỉ học nối mi TPHCM uy tín, thời gian đào tạo...

0
Hiện nay, nghề nối mi là một trong những nghề làm đẹp thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Bởi đây là...
Shift Leader là gì? Công việc và mức lương của Shift Leader

Shift Leader là gì? Công việc và mức lương của Shift Leader

0
Shift Leader là gì? Shift Leader có thể được hiểu đơn giản đó là vị trí trưởng ca/ tổ trưởng.
mức lương tối thiểu vùng

Mức lương tối thiểu vùng là gì? Giải đáp chi tiết về mức lương...

0
Căn cứ theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP, mức lương tối thiểu theo các vùng sẽ tăng 6% so với mức lương tối thiểu hiện hành...
Học spa uy tín ở Hà Nội

Top 10 trung tâm học spa uy tín ở Hà Nội được nhiều người...

0
Hiện nay, nhu cầu làm đẹp tăng cao, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Để phát triển trong ngành...
Lương net là gì ? Cách tính lương net chính xác nhất 2025

Lương net là gì ? Cách tính lương net chính xác nhất 2025

0
Hiểu rõ khái niệm lương net là gì sẽ giúp người lao động tính toán thu nhập chính xác, đảm bảo quyền lợi về...

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Mới nhất